Amidan - cơ quan phòng vệ trong hệ hô hấp
Amidan (người ta còn gọi là hạnh nhân khẩu cái) là cơ quan bảo vệ cơ thể chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn, amidan rất cần thiết trong hệ miễn dịch và là nơi tiệt trùng cho cơ thể mạnh nhất so với các cơ quan cùng nhóm. Amidan hình thành tuyến miễn cách diệt các vi khuẩn khi chúng xâm nhập vào cơ thể qua đường miệng và đường hô hấp.
Bình thường, mặt ngoài của tuyến amidan có màu hồng nhạt, trơn láng, hai amidan có thể tích nhỏ nằm sát hai bên thành họng. Khi cơ thể phải chống lại các vi khuẩn bên ngoài xâm nhập vào cơ thể, bản thân amidan có thể sẽ sưng lên và bị nhiễm trùng.
Thủ phạm gây viêm amidan
Rất nhiều loại vi khuẩn, virut khác nhau tiềm ẩn có thể gây ra viêm amidan, ví dụ như Epstein - Barr virus là một nguyên nhân thường gặp. Nó thường gặp ở người trẻ tuổi, đặc biệt trong những trường hợp như ở lớp học, giảng đường đại học, virut dễ dàng lây từ người này sang người khác do sự tập trung đông người. Trong số các loại vi khuẩn hay gây ra viêm họng thì hay gặp nhất là liên cầu nhóm A, người ta thường gọi là viêm họng liên cầu. Trong giai đoạn ủ bệnh, giai đoạn từ khi nhiễm khuẩn đến khi bệnh toàn phát (thường từ 2 - 4 ngày, có thể ít hơn).
Cần đi khám ngay khi thấy viêm họng kéo dài quá vài ngày hoặc đau rất nặng gây khó nuốt. Ảnh: TM
Viêm amidan: không chừa ai
Viêm amidan có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, lây lan từ người này sang người khác bởi những phần tử trong không khí hoặc những cái bắt tay, ôm hôn... Đặc điểm của bệnh này là đau ở trong họng và khó nuốt. Viêm amidan thông thường có thể tự khỏi mà không cần điều trị và thường thì không có biến chứng. Tuy nhiên, không ít trường hợp viêm amidan gây biến chứng và khó chịu cho người bệnh nếu không điều trị hoặc điều trị không đúng.
Các triệu chứng điển hình
Đau trong họng (có khi rất đau, có thể kéo dài hơn 48 giờ) và có thể kết hợp với khó nuốt. Đau có thể lan lên tai; họng đỏ, amidan sưng và có thể được phủ bởi những chấm trắng; có thể sốt cao; có thể sưng hạch dưới hàm và hạch cổ, đau đầu; có thể mất tiếng hoặc thay đổi giọng nói.
Nếu đau họng là do nhiễm virut thì triệu chứng thường nhẹ và liên quan đến cảm cúm thông thường.
Nếu viêm họng do virut Coxsackie thì có những mụn phỏng mọc ở amidan và vùng vòm khẩu cái. Những mụn phỏng này sẽ vỡ trong vài ngày thành những vết loét, những vết loét này sẽ rất đau.
Nếu viêm họng do nguyên nhân nhiễm liên cầu, amidan thường sưng và bị bao phủ bởi những chấm trắng và họng đau. Bệnh nhân có sốt cao, hơi thở hôi và cảm thấy người rất mệt.
Những bệnh cảnh khác nhau này nhiều khi rất thay đổi và chúng ta cũng không thể nhìn vào họng ai đó mà nói rằng: đây là viêm do virut (điều trị bằng kháng sinh sẽ không hiệu quả) hoặc do vi khuẩn (có thể điều trị được bằng kháng sinh). Bác sĩ thường chẩn đoán dựa trên các triệu chứng và các dấu hiệu của bệnh, đôi khi phải cấy dịch tiết cổ họng và thử máu để xác định nguyên nhân.
Có thể gây biến chứng nếu không điều trị đúng
Thường là viêm họng cũng như viêm amidan thì không gây biến chứng gì, chỉ gây biến chứng khi kéo dài quá 1 tuần. Dưới đây là những biến chứng: Viêm nhiễm thứ phát như: viêm tai giữa, viêm xoang. Nếu viêm họng do liên cầu thì có thể gây sốt phát ban (bệnh ban đỏ). Một biến chứng hiếm gặp là áp-xe họng, thường xảy ra ở một bên. Nếu lớn, cần phải chích rạch tháo áp-xe. Trong một số hiếm trường hợp có thể gặp biến chứng như: thấp khớp, viêm thận (hiện nay hiếm gặp hơn so với nhiều thập niên trước đây).
Xử lý "thói đỏng đảnh" theo thời tiết của amidan
Trong hầu hết trường hợp, viêm nhiễm thường gây ra do virut chỉ cần điều trị triệu chứng bằng paracetamol để hạ sốt.
Trong một số ít bệnh nhân viêm amidan gây ra do vi khuẩn thì điều trị bằng penicillin hoặc erythromycin (nếu bệnh nhân bị dị ứng penicillin). Trường hợp dùng kháng sinh trong 2 - 3 ngày đã hết sốt thì người bệnh vẫn cần phải tiếp tục uống thuốc cho đủ phác đồ điều trị, tránh tình trạng bị kháng thuốc cho những lần viêm nhiễm tiếp theo.
Phẫu thuật cắt amidan có thể cần thiết cho những bệnh nhân viêm đi viêm lại nhiều lần hoặc những bệnh nhân viêm amidan nặng không đáp ứng với phác đồ điều trị hoặc ảnh hưởng nhiều đến quá trình học tập và công tác. Nhưng ngày nay, trên thế giới, người ta cắt amidan ít hơn nhiều so với trước đây.
ThS.BSCKII. Phạm Thắng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét